Tin nóng:
• iPhone 16 Pro Max: Sự không chạm đáng thất vọng với người Việt               • Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào               • Ukraine bị buộc rút quân khỏi Kursk sau không thể tiếp tục chiến đấu               • Thương vong lớn của Nga - Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao theo ước tính của Mỹ               • Beirut: Tòa nhà đổ sập sau khi bị bom của Israel đánh, 22 người thiệt mạng               

Bộ Chính trị: Cần tiết kiệm ngân sách chi cho bộ máy

Tác giả:

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi cho bộ máy, con người.

Tại Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa ban hành, Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026.

Hiện nay, toàn hệ thống chính trị có 2,234 triệu biên chế, trong đó hơn 336.320 là cán bộ, công chức; 1,68 triệu viên chức; 205.570 cán bộ, công chức cấp xã. Bộ máy hành chính cồng kềnh khiến nguồn ngân sách chi thường xuyên cho con người rất lớn, hạn chế nguồn ngân sách chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, an sinh xã hội.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Nội vụ hôm 20/12, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói việc xây dựng đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức để cải cách tiền lương đang gặp khó do bộ máy quá cồng kềnh. Cơ chế cho các bộ ngành hoạt động cần xoay chuyển từ từ để phù hợp từng người, từng nhà, từng địa phương.

Công chức tại trụ sở UBND TP Thủ Đức làm thủ tục cho người dân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Cũng tại chỉ thị này, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, các địa phương cần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia. Các đơn vị đẩy mạnh thanh tra, giám sát, kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư.

Chính phủ, bộ ngành được yêu cầu đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước.

Đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chuyển biến tích cực, song Bộ Chính trị cho rằng một số cơ quan, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản Nhà nước chưa hoàn thiện.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý.

 

Hải Thương

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: