Tin nóng:
• iPhone 16 Pro Max: Sự không chạm đáng thất vọng với người Việt               • Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào               • Ukraine bị buộc rút quân khỏi Kursk sau không thể tiếp tục chiến đấu               • Beirut: Tòa nhà đổ sập sau khi bị bom của Israel đánh, 22 người thiệt mạng               • Thương vong lớn của Nga - Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao theo ước tính của Mỹ               

Cách Ukraine có thể nâng cấp tên lửa từng bắn chìm soái hạm Moskva

Tác giả:

Ukraine thông báo thực hiện dự án "Neptune dài", dường như là tăng độ dài để tăng tầm bay của mẫu tên lửa diệt hạm từng bắn chìm soái hạm Nga Moskva.

Tháng 4 năm ngoái, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, đã bị bắn chìm khi đang được kéo về cảng sau sự cố cháy nổ ngoài khơi Ukraine. Sự kiện này được coi là tổn thất nặng nề với Nga cả về mặt tác chiến và hình ảnh, khi chiến hạm Moskva được coi là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của hải quân Nga.

Ukraine sau đó tuyên bố vũ khí dùng để bắn chìm soái hạm Moskva là tên lửa diệt hạm R-360 Neptune. Mẫu tên lửa này được viện thiết kế Luch của Ukraine lần đầu công bố tại một triển lãm quốc phòng ở thủ đô Kiev năm 2014, nhưng khi đó không được chú ý.

Nhờ việc đánh chìm soái hạm Moskva, Neptune trở nên nổi tiếng trước cộng đồng quốc tế và nhận thêm nhiều sự quan tâm từ quân đội Ukraine. Thứ trưởng Quốc phòng nước này, trung tướng Ivan Havrylyuk, hồi tháng 12/2023 cho biết Kiev đang phát triển phiên bản nâng cấp của tên lửa Neptune.

"Chúng tôi đang thực hiện dự án có tên 'Neptune dài', phiên bản chỉnh sửa của tên lửa Neptune", tướng Havrylyuk nói, song không tiết lộ chi tiết kỹ thuật của bản nâng cấp cũng như tiến độ của dự án, với lý do đây là "bí mật quân sự".

Neptune được chế tạo dựa trên thiết kế của tên lửa Kh-35 từ thời Liên Xô. Viện thiết kế Luch cho biết Neptune được cải tiến đáng kể về tầm bắn và hệ thống điện tử, có khả năng tiêu diệt tàu mặt nước với lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn.

Quả đạn Neptune dài hơn 5 m, trang bị 4 cánh ổn định giữa thân, có tổng khối lượng 870 kg, trong đó đầu đạn nặng khoảng 150 kg. Quả đạn được đẩy khỏi ống phóng bằng tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn, trước khi động cơ phản lực turbine MS-400 được kích hoạt, giúp nó đạt tốc độ cận âm và tầm bắn khoảng 300 km.

Quân đội Ukraine bắn thử tên lửa Neptune tháng 6/2020. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Dựa vào tên của dự án mà tướng Havrylyuk tiết lộ, chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nhận định Ukraine đang muốn chế tạo mẫu Neptune có chiều dài lớn hơn, tương tự điều một số nước khác từng làm với tên lửa hành trình nội địa.

"Bằng việc kéo dài tên lửa, Ukraine có thể bổ sung thêm chỗ chứa nhiên liệu cho động cơ, giúp tăng mạnh tầm bắn của nó", Axe nêu quan điểm.

Phiên bản phóng từ đất liền của tên lửa diệt hạm Harpoon do Mỹ sản xuất có chiều dài 3,3 mét và tầm bắn hơn 120 km. Biến thể Harpoon Block 1D được kéo dài thêm 0,6 mét, giúp tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn gấp đôi. Nhà sản xuất cũng dịch chuyển cánh ổn định của biến thể Block 1D lên cao hơn để duy trì khả năng cơ động và đặc tính bay của tên lửa sau khi được kéo dài.

Trang tin quân sự Ukraine Militarnyi nói rằng Neptune ban đầu được thiết kế để đạt tầm bắn tối đa 360 km nên việc tăng tầm bắn là điều "khá dễ". Truyền thông Ukraine gần đây cho biết tên lửa Neptune cải tiến sẽ có tầm bắn hơn 400 km và mang đầu đạn nặng 350 kg, tăng 200 kg so với bản cũ.

Đây không phải lần đầu tiên quân đội Ukraine chỉnh sửa tên lửa Neptune. Yuriy Butusov, phóng viên chiến trường của Ukraine, tiết lộ Kiev đã sử dụng tên lửa chống hạm R-360 Neptune hoán cải trong cuộc tập kích tổ hợp S-400 của Nga tại bán đảo Crimea hồi tháng 8, sự kiện mà chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi là "đòn đau" giáng vào hệ thống phòng không của đối phương.

"Các kỹ sư Ukraine tại Viện thiết kế Luch đã bổ sung thêm tính năng tấn công mục tiêu trên đất liền cho tên lửa chống hạm nội địa Neptune", Butusov nói.

Một quan chức Ukraine giấu tên khi đó cho biết Kiev đã phát triển hệ thống dẫn đường mới bằng GPS cho tên lửa Neptune để giúp nó tấn công mục tiêu trên đất liền.

Theo chuyên gia Axe, tên lửa chống hạm chỉ cần đầu dò radar là có thể xác định tàu đối phương, do mục tiêu trên biển thường không bị che lấp bởi vật cản. Trong khi đó, mục tiêu trên đất liền thường nằm giữa các tòa nhà, cây cối và địa hình gồ ghề.

"Do đó, tên lửa cần được bổ sung GPS để có thể bắn trúng mục tiêu nằm lẫn giữa nhiều địa hình trên mặt đất", Axe nói.

Với tầm bắn gia tăng, tên lửa Neptune có thể khai hỏa từ các địa điểm có khoảng cách an toàn, như tại thành phố ven biển Odessa, mà vẫn có thể bắn trúng hầu hết mục tiêu của Nga ở khoảng cách xa như tại bán đảo Crimea.

Theo chuyên gia Axe, việc cải tiến tên lửa nội địa sẽ giúp Ukraine duy trì năng lực tập kích sâu vào hậu phương Nga mà không phải phụ thuộc vào vũ khí phương Tây, trong bối cảnh Mỹ, nhà viện trợ hàng đầu của Kiev, đang gặp bất đồng trong việc thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine và khó có thể chuyển giao thêm tên lửa tầm xa trong thời gian tới.

"Ukraine sẽ cần phải sử dụng nhiều hơn tên lửa nội địa và 'Neptune dài' là một trong số đó", Axe nhận định.

 

Lê Dương

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: