Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đánh giá, tình hình đăng ký doanh nghiệp là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm nay.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục. Con số này được Cục nhận định là "ấn tượng" khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 cũng đạt hơn 58.400. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tiếp tục ở mốc trên 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Thực tế, trong quý I, số lượng doanh nghiệp đăng ký có sụt giảm nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân quý giai đoạn 2017-2022. Ở các quý tiếp theo, Chính phủ đã có nhiều biện pháp gỡ khó, nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng - luôn ở mức trên 40.000, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Trong quý IV, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 43.000 đơn vị, tăng 20,2%.
Các ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ gồm: Giáo dục và đào tạo; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy; Dịch vụ việc làm; Du lịch.
Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý của năm. Tuy nhiên, nếu tính cả năm, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt hơn 1,52 triệu tỷ đồng, giảm 4,4%. Tính chung, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế năm nay lại giảm hơn 25%, chỉ đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, năm 2023 tiếp tục ghi nhận số lượng lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong tháng 12, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui, tăng hơn 26% so với năm ngoái. Tính chung cả năm, con số này là 172.500 doanh nghiệp, tăng 20,5%. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Mặc dù vậy, hơn một nửa trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Chỉ có khoảng 10% thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là sản xuất kinh doanh không hiệu quả, giảm đơn hàng; thị trường có nhiều biến động nhưng cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.
Vũ Hà
Bình luận: