Tin nóng:
• Mối đe dọa từ kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, nguy hiểm ra sao với Việt Nam?               • Vợ chồng gây ra vụ án mạng khi sử dụng dao để đâm chết người               • Kết cục đau lòng khi chồng đốt người vợ bằng xăng ở Bình Dương               • Cô gái kiếm hơn 50 tỷ đồng bằng chiêu đặt hàng hiệu sắp lâm vào vòng xét xử               • Cổ phiếu Novaland chịu áp lực bán mạnh               

EU đã thống nhất chuyển lợi nhuận từ tài sản của Nga cho Ukraine

Tác giả:
Văn Tuấn

Các quan chức EU cho biết liên minh đã đạt thỏa thuận sơ bộ để chuyển lợi nhuận từ tài sản Nga bị phong tỏa cho Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, hiện do Bỉ giữ, ngày 29/1 thông báo các đại sứ của khối đồng ý về kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để chi trả cho hoạt động tái thiết Ukraine.

Thỏa thuận này từng châm ngòi cho cuộc tranh luận kéo dài và đầy thách thức pháp lý về cách sử dụng tài sản nhà nước của Nga, vốn bị các tổ chức phương Tây phong tỏa sau khi chiến sự giữa nước này với Ukraine bùng phát từ gần hai năm trước.

Liên minh châu Âu (EU) đã đóng băng khối tài sản trị giá khoảng 200 tỷ EUR (220 tỷ USD) của ngân hàng trung ương Nga. Khoảng 90% số tiền này do công ty dịch tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ nắm giữa.

Một tòa nhà tại thành phố Kharkov, Ukraine bị hư hại sau trận tập kích của Nga tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

EU không chọn tịch thu toàn bộ khoản tiền này để chi cho hoạt động tái thiết Ukraine, do lo ngại nguy cơ gây chấn động thị trường quốc tế và làm suy yếu đồng EUR.

Một số quốc gia, trong đó có Bỉ, đề xuất đánh thuế lợi tức phụ thu đối với khối tài sản bị phong tỏa để có thể tạo ra khoảng 3,25 tỷ USD mỗi năm cho Ukraine.

Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất thận trọng hơn cho 27 quốc gia thành viên EU, theo đó các chủ thể nắm giữ tiền gửi như Euroclear phải tách riêng tiền lãi hoặc lợi nhuận kiếm từ tài sản bị phong tỏa của Nga và khoanh vùng chúng. EC sẽ đề xuất về cách chuyển lợi nhuận được khoanh vùng này cho quỹ hỗ trợ Ukraine.

Arnoldas Pranckevicius, đại sứ Litva tại EU, gọi thỏa thuận sơ bộ là "quyết định rất quan trọng được chờ đợi từ lâu, song chỉ là bước khởi đầu của cả chặng đường".

"Chúng tôi đang mong chờ đề xuất thứ hai từ EC về cách sử dụng lợi nhuận để tái thiết Ukraine và bắt đầu thảo luận về tịch thu tài sản của Nga", ông Pranckevicius cho biết.

Vấn đề đã vượt ra ngoài EU khi liên minh phối hợp với nhóm G7 để đóng băng tài sản Nga. Mỹ muốn G7 đưa ra quyết định tập thể về cách xử lý khối tài sản này. Các quan chức ngoại giao cho biết Mỹ ngày càng ủng hộ tịch thu hoàn toàn tài sản Nga bị đóng băng, song châu Âu phản đối.

EU đưa ra thỏa thuận về kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga khi viện trợ từ phương Tây gặp trở ngại chính trị ở cả Washington và Brussels. Phe Cộng hòa tại quốc hội Mỹ đang chặn gói viện trợ quân sự và tài chính tiếp theo dành cho Ukraine để yêu cầu giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là vấn đề di cư.

Tại EU, Hungary chặn gói viện trợ tài chính trị giá 50 tỷ EUR (khoảng 54 tỷ USD) của liên minh cho Ukraine. Hội nghị cấp cao của EU dự kiến diễn ra tại Brussels, Bỉ được kỳ vọng có thể giải quyết vấn đề bằng cách thuyết phục Hungary từ bỏ phủ quyết.

Theo đánh giá chung mà Ngân hàng Thế giới, EC và Liên Hợp Quốc công bố tháng 3/2023, tổng chi phí ước tính để tái thiết Ukraine sau chiến sự ít nhất là 411 tỷ USD.

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: