Tin nóng:
• Mối đe dọa từ kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, nguy hiểm ra sao với Việt Nam?               • Vợ chồng gây ra vụ án mạng khi sử dụng dao để đâm chết người               • Kết cục đau lòng khi chồng đốt người vợ bằng xăng ở Bình Dương               • Cô gái kiếm hơn 50 tỷ đồng bằng chiêu đặt hàng hiệu sắp lâm vào vòng xét xử               • Cổ phiếu Novaland chịu áp lực bán mạnh               

Tranh luận gay gắt về án tử hình của nữ doanh nhân

Tác giả:
Hải Thương

Theo VKS, luật sư nói "lần đầu xét xử một nữ doanh nhân (bà Trương Mỹ Lan) mà đề nghị tử hình" là mới nêu một nửa mệnh đề, vì đây là lần đầu trong lịch sử có doanh nhân chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Ngày 3/4, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục với phần tranh luận (lần hai) của VKS đối với quan điểm của các luật sư bào chữa cho bà Lan, về vấn đề liên quan đến căn cứ xác định thiệt hại và tội danh. Trong gần 30 phút, cơ quan công tố nhiều lần đưa ra quan điểm đánh giá gay gắt với nội dung của các luật sư, cho là "vô căn cứ", "không nghiên cứu kỹ hồ sơ"...

Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Thanh Tùng

'Bị cáo Trương Mỹ Lan không có chức vụ nhưng có quyền hạn'

Trước đó, các luật sư đều thừa nhận bà Lan thực hiện một chuỗi hành vi với cùng phương thức thủ đoạn xuyên suốt từ năm 2012 đến 2022, song cho rằng thân chủ "không thỏa mãn yếu tố là chủ thể của tội Tham ô tài sản" vì không có chức vụ gì tại SCB.

Theo VKS, cách tiếp cận của các luật sư là đã tách bà Lan ra khỏi hệ thống SCB và chỉ nhìn ở góc độ "chức vụ". Còn ở góc tiếp cận rộng hơn, thì toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB đều sai phạm, từ Đại hội đồng cổ đông cho tới các cấp dưới.

Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện bà Lan sở hữu, quản lý trên 91% cổ phần SCB - đã vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Bà Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, tham gia Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, Ban kiểm soát, đưa người của mình vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Trích dẫn Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định về tội Tham ô tài sản, đại diện VKS nói điều luật này quy định "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải có "chức vụ và quyền hạn".

"VKS đã chứng minh Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Chức vụ này đều do bị cáo Lan bố trí. Bị cáo Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, không có lý do gì nói bị cáo không phải là chủ thể của Điều 353", VKS nêu quan điểm.

Liên quan việc luật sư Trương Thanh Đức khi bào chữa cho bà Lan đã đưa ra một số câu nhận định như "bị cáo Lan chiếm đoạt nhưng SCB lấy đâu ra tiền, chiếm đoạt cái gì?"; "chiếm đoạt tài sản làm gì"..., VKS đánh giá đây là nhận định "vô căn cứ". Bởi, bà Lan không có nhiều tài sản như đã trình bày, cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo có rất nhiều khoản nợ và đều là những khoản nợ khó đòi, tài sản bảo đảm giá trị thấp.

"Nếu bị cáo nhiều tài sản thì vì sao không tất toán những khoản nợ trên, mà tiếp tục sử dụng SCB huy động tiền gửi của dân. Tiền bị cáo chiếm đoạt là tiền của dân. Ngân hàng Nhà nước đang gồng mình bằng mọi biện pháp cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dân, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ", VKS tỏ ra gay gắt, sau đó tiếp lời: "Số tiền khổng lồ này đáng lẽ sử dụng cho nhiều mục đích cho con cháu chúng ta. Luật sư nói 'bị cáo chiếm đoạt tài sản làm gì' - là để mua nhiều bất động sản".

VKS nhắc lại căn cứ trước đó - bà Lan chỉ có 60 tài sản (trong số 1.169 bất động sản kê biên) là được hình thành trước năm 2012; số tài sản hình thành sau 2012 (trong thời gian phạm tội) chiếm hơn 94%.

"Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, mua. Điều này làm rõ sự gian dối của bị cáo", VKS nói và nhấn mạnh "toàn bộ hồ sơ vụ án và kết qủa xét xử công khai là căn cứ chứng minh hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan".

Đại diện VKS tại phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo.  Ảnh: Thanh Tùng

Đại diện VKS tại phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo. Ảnh: Thanh Tùng

'Lần đầu trong lịch sử có nữ doanh nhân chiếm đoạt số tiền lớn'

Về việc luật sư bào chữa của bà Lan nói "đây là lần đầu xét xử một nữ doanh nhân mà đề nghị mức án tử hình", VKS cho rằng luật sư đang nêu thiếu một mệnh đề là "chưa bao giờ trong lịch sử có một nữ doanh nhân dùng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn đến như vậy. Lớn đến nỗi không có từ nào diễn tả được".

Theo đó, VKS giữ nguyên quan điểm trước đó - tức tài sản bà Lan đưa vào SCB chỉ là phương thức thủ đoạn phạm tội, bất cứ lúc nào cần thì rút ra, nâng khống tài sản đảm bảo.

Cơ quan công tố cũng bác bỏ quan điểm của luật sư cho rằng bà Lan phải chịu trách nhiệm với cả các khoản vay không liên quan; bác bỏ nội dung bà Lan nói "trong suốt 10 năm tham gia tái cơ cấu SCB không sử dụng một đồng tiền nào của Nhà nước vẫn hoạt động bình thường"...

Theo VKS, SCB sau khi hợp nhất hoạt động với tư cách như một công ty cổ phần do đó đương nhiên tổ chức tín dụng phải hoạt động theo trách nhiệm của mình như luật định. Hoạt động của SCB từ sau khi hợp nhất đến lúc khởi tố vụ án có rất nhiều sai phạm nhưng đã che giấu. Sau khi khởi tố, ngân hàng bị mất thanh khoản, phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc NHNN phải cho mượn tiền để xử lý khủng khoảng.

"Việc SCB duy trì nguồn tiền trả cho người dân là nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, phải có nguồn dự trữ theo luật. SCB không 'hoạt động bình thường' theo lập luận của bị cáo", đại diện VKS phân tích.

Giữ nguyên căn cứ xác định thiệt hại

Đại diện VKS cũng giữ nguyên quan điểm xác định hậu quả của vụ án là hơn 677.000 tỷ đồng, và đây là cơ sở đánh giá trách nhiệm hình sự cho bà Lan trên nguyên tắc có lợi cho bị cáo và đồng phạm.

Theo VKS, Điều 215 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định "chỉ khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản". Trong trường hợp này, VKS đã nêu rõ tại phần đối đáp trước, bằng các biện pháp thu thập chứng cứ khác, cơ quan điều tra đã xác định được giá trị tài sản cần định giá, nên không cần thiết phải trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự.

"Còn việc đây là biện pháp nào thì luật sư nghiên cứu lại Bộ luật Tố tụng Hình sự và hồ sơ vụ án", đại diện VKS nói.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, VKS khẳng định đã "làm sáng tỏ vụ án một cách khách quan, toàn diện". Đối với 22 bị cáo khác, cơ quan công tố ghi nhận thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị trước đó.

Cụ thể, ông Chu Nap Kee Eric - tức Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) được giảm xuống 10-11 năm, thay vì 11-12 năm; Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 17-18 năm tù (trước đó là 19-20 năm)...

Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như "công cụ tài chính" huy động tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bị cáo đã trực tiếp và chỉ đạo, điều hành các cán bộ, nhân viên chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, móc nối chặt chẽ với nhau thực hiện nhiều hành vi sai phạm rút tiền của ngân hàng.

Sau gần 2 tuần xét xử, hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: