"Chúng tôi bày tỏ ý định chung là tham gia vào một cuộc đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng với Mỹ để giải quyết các mối quan tâm liên quan đến thương mại. Giao tiếp cởi mở và hợp tác sẽ rất quan trọng để đảm bảo một mối quan hệ cân bằng và bền vững", các bộ trưởng kinh tế ASEAN ra tuyên bố chung sau cuộc họp tại Malaysia hôm 10/4.
Tuyên bố nêu rõ: "Theo tinh thần đó, ASEAN cam kết không áp dụng bất kỳ biện pháp trả đũa nào để đáp trả thuế quan của Mỹ".
ASEAN cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như là nền tảng chính cho đối thoại, nhấn mạnh vai trò của tổ chức này trong việc ngăn chặn căng thẳng thương mại leo thang và thúc đẩy các giải pháp hợp tác dựa trên luật lệ.
Tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz chủ trì, các bộ trưởng kinh tế ASEAN cho biết sẽ tập trung vào việc tăng cường hội nhập thương mại khu vực thông qua việc nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và Hiệp định khung kinh tế số ASEAN.
Tuyên bố cho biết thêm: "Chúng tôi cũng sẽ tăng cường và mở rộng mối liên kết kinh tế với các đối tác bên ngoài của ASEAN, bao gồm các đối tác đối thoại, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với những đối tác mới".
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong nói cuộc chiến thương mại đang diễn ra đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu, báo hiệu thời kỳ bất ổn sẽ tác động sâu sắc đến Singapore và khu vực.
"Singapore vẫn quyết tâm vượt qua thời điểm đầy thách thức này bằng sự đoàn kết với các quốc gia thành viên ASEAN", ông nói.
Ông Gan Kim Yong nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm tìm kiếm các sáng kiến tăng trưởng mới như nền kinh tế kỹ thuật số và xanh, cũng như mở rộng liên kết kinh tế của ASEAN với các đối tác bên ngoài".
Trong một thông cáo phát đi cuối ngày 10/4, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia nói rằng ASEAN lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến GDP toàn cầu giảm.
Hướng đến tương lai, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã nhất trí thành lập Lực lượng đặc nhiệm Địa kinh tế ASEAN để thảo luận và xây dựng chính sách ứng phó khu vực đối với những thách thức kinh tế và địa chính trị mới nổi, tuyên bố cho biết thêm.
Hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó hàng hóa từ Đông Nam Á sẽ phải chịu mức thuế từ mức cơ bản là 10% đến mức cao nhất là 49%.
Thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 9/4, nhưng chỉ vài giờ sau khi có hiệu lực, chính sách thuế quan đối ứng này đã được chính quyền Tổng thống Trump hoãn áp dụng 90 ngày, ngoại trừ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lee Heng Guie, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Malaysia, vẫn lo ngại về tình trạng hiện nay liên quan đến thuế quan đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ.
"Thuế quan đối ứng có thể tạm hoãn, nhưng rủi ro kinh doanh vẫn còn. Làm sao các nhà sản xuất và chủ doanh nghiệp có thể lập kế hoạch trước với rủi ro không thể đoán trước như vậy", ông lập luận.
Năm 2024, Mỹ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ hai.
Tổng kim ngạch thương mại song phương ASEAN - Mỹ năm 2024 đạt 476,8 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa Mỹ của ASEAN đạt 124,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của khu vực này sang Mỹ đạt 352,3 tỷ USD.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
Bình luận: