Tại phiên giao dịch 27/3, giá cà phê nhân ở các tỉnh Tây Nguyên đồng loại tăng 1.100 đồng một kg so với phiên trước đó, lên mức 98.100 đồng - cao nhất từ trước tới nay.
Trên diễn đàn kinh doanh cà phê, nhiều người trồng và thương lái khá bất ngờ khi giá mặt hàng này sắp cán đích 100.000 đồng một kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 46.000 đồng.
Tại sàn giao dịch quốc tế, Robusta trên sàn London cũng liên tục lập đỉnh mới với mức giá 3.521 USD một tấn cho kỳ hạn giao tháng 5. Tương tự, Arabica trên sàn New York đạt trên 4.130 USD một tấn. Mức này tiếp tục vượt đỉnh của ngày 10/3.
Bà Nguyễn Loan, thương lái thu mua cà phê ở Đăk Lăk, cho biết đang giảm thu gom vì giá quá cao, trong đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng mua chậm lại. "Trước đó, tôi có thỏa thuận với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ mua 1.000 tấn giá 70.000 đồng mỗi kg. Nay với mức giá này, tôi không có hàng để trả", bà Loan nói.
Cũng đang trong tình trạng cầm cự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho hay các đầu mối bán giá 99.000 đồng một kg cà phê nhân xô. Giá này công ty chỉ mua nhỏ giọt. "Thời gian qua, doanh nghiệp đã phải gồng lỗ, khi giá càng lên cao, lỗ càng lớn nếu mua nhiều", ông Thông nói.
Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê Việt Nam thời gian gần đây. Họ đang phải mua cao, bán thấp. Hiện với giá 98.000 đồng một kg, doanh nghiệp lỗ hàng tỷ đồng.
Giá cà phê tăng vọt, theo Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam Nguyễn Hải Nam là do nguồn cung giảm, tồn kho trong doanh nghiệp thấp kỷ lục. Tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, khiến sản lượng sụt giảm. Riêng Việt Nam, sản lượng hụt 10% trong vụ mùa 2023-2024, do người trồng chuyển đổi canh tác khi giá lao dốc trước đây.
Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Cuối cùng, nhiều nhà đầu tư tài chính chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ, khiến giá nông sản này đắt thêm.
Theo các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang mua từ Ấn Độ, Brazil vì hàng Việt sốt giá. Nhưng từ tháng 4, Brazil vào vụ, giá cà phê có thể quay đầu hạ.
Dù vậy, số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất 438.000 tấn cà phê, thu gần 1,4 tỷ USD. Mức này tăng gần 28% về lượng và 85% giá trị so với cùng kỳ 2023. Robusta và Arabica vẫn là hai loại cà phê có tăng trưởng bứt phá.
Bình luận: