Kế hoạch vận động phụ huynh đóng góp cho một tiết mục văn nghệ tại lớp 8A1 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, quận 12, TPHCM gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.
Tiết mục văn nghệ này gây chú ý không chỉ ở chi phí 22 triệu đồng mà còn nằm ở mục đích chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, để "gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô giáo đã chăm lo sự nghiệp trồng người" nhưng "quỹ lớp không đủ", theo nội dung thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Thư ngỏ vận động phụ huynh đóng góp kinh phí diễn văn nghệ mừng 20/11 với chi phí gần 22 triệu đồng (Ảnh: P.H).
Chị Nguyễn Thu Trà, phụ huynh ở TPHCM cho hay, một tiết mục văn nghệ của học sinh dành để tri ân thầy cô với chi phí gần 22 triệu đồng là không cần thiết và rõ ràng gây áp lực cho phụ huynh.
Theo thông tin, lớp được tài trợ 3 triệu, cần thêm gần 19 triệu đồng. Nếu lớp 40 học sinh, tính ra mỗi em góp gần 500.000 đồng, số tiền không nhỏ với nhiều gia đình. Chưa nói đến việc phụ huynh đã đóng quỹ lớp trước đó.
Việc chuẩn bị một tiết mục văn nghệ tặng thầy cô như vậy, chị Trà cho rằng gây áp lực về tiền bạc lẫn công sức, thời gian của phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh này, người được tri ân là thầy cô cũng khó mà vui nổi.
Không chỉ ở một tiết mục văn nghệ chi phí gần 22 triệu đồng, những khoản vận động hướng đến cảm ơn, tri ân thầy cô trong dịp lễ 20/11 kéo theo nhiều tâm tư, nỗi lòng...
Đó không chỉ là một tiết mục văn nghệ mà còn có thể là những buổi liên hoan, những chiếc phong bì, những món quà…
Có thể kể đến sự việc Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Tân Bình, TPHCM kêu gọi tổ chức tiệc tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mới đây.
Khi thông tin "phụ huynh vận động tổ chức tiệc 20/11 cho thầy cô" lan truyền trên mạng xã hội, lãnh đạo Trường THCS Mạc Đĩnh Chi đã có thông báo phản hồi từ chối việc tri ân này của Ban đại diện.
Nhà trường cũng bày tỏ muốn tập trung vào việc giảng dạy, cũng như tổ chức các hoạt động giảng dạy và giáo dục cho học sinh trong thời gian tới, để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho các em.
Hay danh sách dự chi quỹ phụ huynh của một lớp 2 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TPHCM đầu năm học này cũng cho thấy, tiền quỹ phụ huynh nặng nhất khoản chi phong bì để "tri ân thầy cô các ngày lễ lớn trong năm".
Ban đại diện phụ huynh liệt kê ra một năm có đến 6 ngày lễ gồm 20/10, 20/11, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, ngày 8/3 và dịp tổng kết năm đều có khoản "phong bì" cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, bộ môn với mức chi dao động từ 1 đến 2,5 triệu đồng.
Danh sách dự chi một năm 6 ngày lễ đi phong bì thầy cô tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TPHCM (Ảnh: P.H).
Không chỉ riêng ở lớp này, trường này mà tại không ít nơi, những khoản đóng góp để tri ân, cảm ơn thầy cô trở thành một gánh nặng, áp lực với nhiều gia đình, học sinh.
Tặng quà không từ tấm lòng: Phụ huynh áp lực, thầy cô mang tiếng
Việc quà cáp, tri ân không chỉ gây mệt mỏi, áp lực cho phụ huynh mà có khi còn nặng nề với chính giáo viên - người được tri ân.
Cô Lê Hồng Thanh, giáo viên ở tiểu học ở TPHCM trải lòng, cô rất buồn lòng mỗi khi dịp 20/11, việc quà cáp, tri ân lại trở thành gánh nặng với nhiều phụ huynh, nhiều gia đình.
Ở đó nhiều ông bà bố mẹ đối mặt với áp lực khi phụ huynh trong lớp vận động "đi" thầy cô, rất khó để từ chối. Ngoài ra, cũng không ít người xem việc tặng quà cho thầy cô là một trách nhiệm phải làm.
Với người thầy, cầm một món quà, cầm chiếc phong bì cũng trở nên nặng nề, điều tiếng… Cô Thanh biết một vài đồng nghiệp của mình cứ đến dịp 20/11 là tìm cách "trốn" để từ chối nhận quà.
Cô Thanh cũng bày tỏ, việc quà cáp thầy cô trở nên nặng nề xuất phát từ hai yếu tố. Một là phụ huynh "phú quý sinh lễ nghĩa", tặng quà với suy nghĩ lấy lòng giáo viên. Và thứ hai không phải không có những trường hợp giáo viên vòi vĩnh…
Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM chia sẻ, từ nhiều năm nay, ông luôn trao đổi thẳng với Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không vận động phụ huynh đóng góp để tặng quà, tri ân cho giáo viên.
Nhà trường cũng nhắc giáo viên nếu biết có trường hợp Ban đại diện phụ huynh vận động đóng góp tri ân là phải lên tiếng ngăn cản ngay.
Tặng quà, tri ân chỉ có ý nghĩa khi xuất phát từ niềm vui của người tặng và người nhận (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Người này thẳng thắn cho hay, việc này để giảm áp lực cho phụ huynh và cũng để bảo vệ đội ngũ giáo viên. Món quà vật chất đôi khi không đáng bao nhiêu nhưng gây mệt mỏi cho phụ huynh và mang tiếng cho thầy cô.
Ông cho biết, ở trường mình, phụ huynh, học sinh hoàn toàn có thể tặng quà cho giáo viên theo diện cá nhân. Nhưng nhà trường không chấp nhận việc phụ huynh với danh nghĩa Ban đại diện đứng ra vận động, kêu gọi người khác đóng góp cho việc này.
Vị hiệu trưởng cho rằng, việc tặng quà theo phong trào, không xuất phát từ tấm lòng cũng là bệnh hình thức, phô trương.
"Việc tặng quà cần nhất là ở tấm lòng, là mong muốn từ người tặng và niềm vui từ người nhận. Khi hai điều này không có, phụ huynh, học sinh cần mạnh dạn không tặng và người nhận cũng được quyền từ chối… Không lý gì phải ép mình làm những việc mang tính hình thức gây nặng nề", nhà quản lý này nêu quan điểm.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
Bình luận: