Tin nóng:
• Bị mắng vì hút thuốc, con trai chém mẹ tử vong               • Thủ khoa lớp 10 TPHCM chia sẻ “công thức vàng' để học toàn diện               • Việt Nam sắp có trung tâm tài chính quốc tế               • Lớp có 28/29 em đỗ chuyên KHTN, em còn lại đỗ trường chuyên nào?               • Lãi gấp hơn 6700 lần, chủ dự án chung cư đất vàng Cầu Diễn chi cổ tức đậm               

Lối thoát cho Ukraine khi bị Mỹ khóa van viện trợ

Tác giả:
Bảo My

Quyết định của Mỹ về việc tạm dừng vận chuyển một số lô vũ khí cho Ukraine được đưa ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn với Kiev. Quân đội Nga, với quy mô vượt trội, đang tăng cường tấn công dọc tuyến mặt trận dài khoảng 1.000km và đẩy mạnh các đợt không kích bằng tên lửa, máy bay không người lái nhằm vào các thành phố của Ukraine.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, Mỹ đã trở thành quốc gia hậu thuẫn quân sự lớn nhất cho Kiev. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang dần giảm mức độ can dự, trong bối cảnh chưa có dấu hiệu kết thúc cho cuộc chiến, dù hai bên đã tổ chức một số cuộc đàm phán trực tiếp.

Giữa những lo ngại về tốc độ và quy mô hỗ trợ từ các đồng minh, Ukraine đang nỗ lực xây dựng năng lực sản xuất quốc phòng trong nước. Năng lực nội địa đã có những bước tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái, tuy nhiên Kiev vẫn cần đẩy nhanh quy mô sản xuất hơn nữa.

Một số loại vũ khí công nghệ cao từ Mỹ là không thể thay thế. Điển hình là tên lửa phòng không Patriot, có giá lên tới 4 triệu USD mỗi quả, vốn rất cần thiết để đối phó với các đợt tập kích bằng tên lửa đạn đạo từ Nga. Đây là một trong những hệ thống nằm trong diện tạm dừng chuyển giao, khiến nhiều thành phố, bao gồm cả thủ đô Kiev, có nguy cơ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Một quan chức cấp cao của Ukraine ngày 3/7 khẳng định, hệ thống Patriot là “tối quan trọng” với an ninh của nước này. Trong khi đó, các tên lửa HIMARS dẫn đường chính xác, cũng nằm trong diện tạm dừng, không cấp bách bằng vì một số quốc gia khác có thể cung cấp loại vũ khí tương tự.

“Các nước khác có Patriot nhưng cần sự chấp thuận của Mỹ để chuyển giao. Vấn đề là Washington sẵn sàng hỗ trợ đến đâu”, quan chức Ukraine chia sẻ.

Ông cũng cho biết số lượng tên lửa Patriot hiện tồn kho trên toàn cầu vẫn đủ để cung cấp cho Ukraine, vấn đề còn lại là quyết tâm chính trị.

Ngoài ra, Ukraine đã mở rộng sản xuất đạn pháo 155mm, loại đạn từng rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, và hiện sản xuất vượt cả mức dự tính.

Mở rộng hợp tác 

Trong bối cảnh mối quan hệ  với Tổng thống Trump đôi lúc gặp căng thẳng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang nỗ lực thúc đẩy vai trò của các nước châu Âu trong việc phát triển năng lực quốc phòng nội địa.

Dù các quốc gia châu Âu không có đủ năng lực sản xuất, kho dự trữ hay công nghệ để thay thế hoàn toàn phần hỗ trợ từ Mỹ, ông Zelensky vẫn kêu gọi đầu tư chung vào những dự án lớn trong ngành quốc phòng.

Dự luật hỗ trợ các nhà sản xuất vũ khí của Ukraine mở rộng quy mô và hiện đại hóa, trong đó bao gồm cả xây dựng nhà máy mới trong và ngoài nước, sẽ được Quốc hội Ukraine đưa ra biểu quyết trong tháng này, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.

Tổng thống Zelensky gần đây cũng cho biết, các khoản đầu tư lớn sẽ được dành cho sản xuất máy bay không người lái và đạn pháo. “Lượng hỗ trợ trong năm nay là lớn nhất kể từ khi chiến tranh toàn diện bắt đầu”, ông nói về cam kết từ các nước đối tác.

Dưới thời Tổng thống Trump, không có thêm gói viện trợ quân sự mới nào được công bố cho Ukraine. Từ tháng 3 đến tháng 4, theo Viện Kiel (Đức), Mỹ không phân bổ khoản hỗ trợ mới nào, điều chưa từng xảy ra kể từ tháng 6/2022, chỉ vài tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự.

Cũng theo Viện Kiel, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ra, tổng viện trợ quân sự từ các nước châu Âu đã vượt Mỹ, với 72 tỷ euro (tương đương 85 tỷ USD) so với 65 tỷ euro (77 tỷ USD) từ Washington.

Nếu không có các tên lửa Patriot, AIM-7 hay Stinger - tất cả đều nằm trong danh sách tạm dừng chuyển giao - các thành phố Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ tổn thất ngày càng lớn từ các cuộc không kích của Nga.

Tại tiền tuyến, binh sĩ Ukraine hiện không còn phản ánh nhiều về tình trạng thiếu đạn như trước. Tuy nhiên, họ vẫn thừa nhận, về lượng đạn dược, họ chưa bao giờ có được lợi thế như phía Nga.

Giờ đây, thách thức lớn nhất lại đến từ tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Lực lượng vũ trang Ukraine đang phải trông cậy nhiều hơn vào máy bay không người lái để bù đắp. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng tuyến phòng thủ chưa đến mức sụp đổ.

Khi được hỏi về thời điểm Mỹ tạm dừng hỗ trợ, quan chức Ukraine nhấn mạnh: “Trong chiến tranh, yếu tố sống còn là chuỗi tiếp viện ổn định. Không thể có chiến thắng nếu nguồn cung bị gián đoạn”.

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: