Tin nóng:
• iPhone 16 Pro Max: Sự không chạm đáng thất vọng với người Việt               • Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào               • Xe Mercedes đang đối mặt với vấn đề thấm nước trở thành thảm họa truyền thông ở Trung Quốc               • Thương vong lớn của Nga - Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao theo ước tính của Mỹ               • Beirut: Tòa nhà đổ sập sau khi bị bom của Israel đánh, 22 người thiệt mạng               

Người trẻ mất kết nối với họ hàng

Tác giả:

Cho đến giờ Hải Minh vẫn chưa hết cảm giác hoang mang khi cùng bố mẹ về quê ở Nghệ An chúc Tết sớm, nhưng hầu hết số họ hàng cô gặp đều "trông rất lạ".

Cô gái 27 tuổi ở Hà Nội mô tả lần về quê "giống buổi ra mắt nhà bạn trai". Mọi người cô gặp đều phải nhờ bố giới thiệu tên tuổi kèm thuyết minh về quan hệ, vai vế. Gặp hàng chục người nhưng điều duy nhất đọng lại trong đầu Hải Minh: tất cả đều là họ hàng.

Ngày bé, Minh vẫn hay về quê. Ký ức của cô là những ngày cùng anh chị họ đi chăn trâu, bắt cá. Nhưng đám trẻ ấy giờ đã trưởng thành, tỏa đi lập nghiệp ở nhiều tỉnh, thậm chí định cư ở nước ngoài, hiếm khi liên lạc với nhau. Những người lớn tuổi ở quê mà cô biết một số đã qua đời hoặc lên thành phố chăm cháu. Về quê giờ Minh gần như không biết ai.

Suốt ba ngày về quê, Minh theo sát bà và bố mẹ bởi chỉ có họ mới có thể trò chuyện với họ hàng. Thời gian còn lại, cô đều chăm chú lướt điện thoại, tránh những ánh nhìn xa lạ.

Khải Hoàng trong chuyến đi chơi ra ngoại thành Hà Nội, giữa năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khải Hoàng trong chuyến đi chơi ra ngoại thành Hà Nội, giữa năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khải Hoàng, 30 tuổi, đã ở Hà Nội hơn chục năm. Đối với chàng trai quê Nam Định, gia đình là quan trọng nhất nhưng họ hàng không nằm trong vòng ưu tiên đó. Mỗi lần về quê, anh đều dành thời gian cho bố mẹ, ông bà và em gái, bỏ qua mọi cơ hội gặp gỡ những người khác.

"Tôi sợ những câu hỏi về lương thưởng, giục lấy vợ hoặc thi thoảng có người đến vay tiền bởi nghĩ làm ở thành phố lương cao", Hoàng kể. Ngày còn đi học, anh cũng liên tục bị hỏi về điểm số nhưng sau đó họ đem ra chế giễu nếu thành tích không bằng con họ.

Đó là lý do ngay khi đi làm, tự chủ kinh tế, Hoàng quyết định cắt đứt liên hệ với họ hàng. Với Hoàng, những kỳ nghỉ, lễ Tết là để dành cho gia đình chứ không phải để đóng vai "hoa hậu thân thiện", làm hài lòng tất cả mọi người.

Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho rằng Minh và Hoàng là những ví dụ của tình trạng người trẻ Việt đang dần xa cách họ hàng bất chấp thế hệ bố mẹ, ông bà vẫn đang nỗ lực để gắn kết. Theo chuyên gia, chuyện này âm thầm diễn ra nhiều năm nhưng nay phổ biến ở nhóm người trên 20 tuổi - nhóm ít bị ràng buộc bởi tư tưởng giữ gìn truyền thống, duy trì các mối quan hệ trong đại gia đình.

Theo bà Hương, chưa có số liệu hay nghiên cứu xã hội về vấn đề này nhưng quan sát cá nhân của bà cho thấy chủ đề "nên hay không cắt đứt quan hệ với họ hàng" được nhiều người trẻ quan tâm. Biểu hiện rõ nhất là tần suất các bài phàn nàn trên mạng xã hội về mối quan hệ với họ hàng ngày càng nhiều.

Hành động e dè với họ hàng được cho là xuất phát từ một số nguyên nhân chính. Đầu tiên là khoảng cách thế hệ, khác biệt lối sống nên khó chia sẻ. Quan trọng nhất là yếu tố cách biệt địa lý. Ngày nay nhiều người trẻ rời quê đi làm xa, khó giữ mối quan hệ với họ hàng. Theo thống kê năm 2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 90% lao động nông thôn di cư là người trẻ.

Một lý do khác khiến người trẻ ngại tiếp xúc với họ hàng là hay bị hỏi về công việc, lương thưởng, kết hôn, sinh con trong khi nhiều người không muốn chia sẻ. Khảo sát của VnExpress về "Lý do sợ về quê nghỉ lễ?" với gần 600 độc giả cho thấy, 27% nói sợ hỏi về lương thưởng; 26% sợ giục cưới. Bên cạnh đó, người trẻ ngày càng nhiều mối quan hệ bên ngoài, tự chủ tài chính và muốn được sống cho bản thân.

"Chính tốc độ đô thị hóa, Internet phát triển và nhận thức thay đổi là lý do chính khiến người trẻ hạn chế tiếp xúc với họ hàng. Nhất là khi bản thân họ cảm nhận các mối liên hệ ngày càng mất đi bản chất vốn có", tiến sĩ Vũ Thu Hương nói.

Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nghiên cứu của Đại học Wisconsin công bố tháng 10/2022 cho thấy hơn 1/3 người trẻ Mỹ cho biết đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ họ hàng. Các nhà xã hội học Mỹ gọi đây là hiện tượng "estrangement" hay "người thân hóa thành người dưng".

Nghiên cứu tương tự cho tổ chức thiện nguyện Stand Alone của Anh cho thấy hiện tượng này đang ngày càng phổ biến ở Anh, Australia hay Canada.

Hồi tháng 5/2023, tờ Sanlian Lifeweek của Trung Quốc từng nhắc đến thuật ngữ "duanqin", mang nghĩa "mối quan hệ họ hàng rạn nứt" sau khi khảo sát 116.000 người về chuyện "không về thăm họ hàng". 50% nói cảm thấy bình thường, 43% tin rằng một số người thân không đáng để đến thăm.

Quỳnh Trang, 33 tuổi, ở TP HCM cũng từ chối giao tiếp với họ hàng, mặc bố mẹ khuyên ngăn. Nguyên nhân là do cô từng nhiều lần chịu những câu nói xúc phạm từ họ hàng, ẩn dưới danh nghĩa "chỉ muốn tốt cho cháu".

"Họ nói tôi là đồ bất hiếu, chỉ biết sống cho mình bởi nhiều tuổi mà không kết hôn hay không có tài sản tích trữ, trong khi gia đình tôi còn chưa có ý kiến. Bố mẹ tôi có thể nhịn, nhưng tôi thì không, thêm hay bớt một vài người chẳng khiến cuộc sống bị xáo trộn", Trang nói.

Hiểu việc ngại giao tiếp với họ hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, chuyên gia văn hóa, giảng viên học viện Báo chí và Tuyên truyền, khuyên người trẻ nên tìm cách vun vén các mối quan hệ với đại gia đình, tránh tách biệt khỏi xã hội, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe tinh thần. Việc kết bạn qua mạng xã hội không xấu nhưng cần sàng lọc kỹ, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhưng để cải thiện mối quan hệ này, bà Hồng cho rằng đây là thách thức cho cả hai bên. Với người thân lớn tuổi, họ nên hiểu cho tâm lý của người trẻ, thay vì hỏi lương, thưởng, hối thúc lập gia đình hãy quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con cháu. Và chính người trẻ cũng cần mở lòng, học cách thấu hiểu và thẳng thắn chia sẻ tâm tư với người lớn, tránh tạo thêm khoảng cách, khó hàn gắn.

"Suy cho cùng, việc duy trì các mối quan hệ họ hàng chỉ để sau thời gian đi xa cả gia đình được tụ tập, mọi người còn nhìn thấy nhau, hỏi có khỏe không, cuộc sống thế nào là đủ. Và cũng đừng vội quy chụp, đổ lỗi cho người trẻ sống hời hợt bởi họ chỉ chưa biết cách mở lòng, chia sẻ để hiểu nhau", bà Hồng nói.

Từng có nhiều giai đoạn, Phúc Quý, 25 tuổi, ở Thái Bình, nói không muốn gặp họ hàng khi bị can thiệp sâu vào đời sống cá nhân. Nhưng sau vài lần bày tỏ ý kiến, bố mẹ tác động đến họ hàng hai bên, chàng trai 25 tuổi dần nhận thấy sự thay đổi trong cách ứng xử. Giờ đây, Quý nói thoải mái mỗi khi về quê thay vì nghĩ hàng tá câu trả lời chống chế hoặc bịa lý do trốn gặp mặt.

"Thứ tôi cần là tình thân, sự quan tâm nhau thật lòng thay vì các mối quan hệ tự nhận là họ hàng thân thiết nhưng vô tình làm tổn thương nhau", Quý nói.

 

Mai Phương

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: