Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã thất bại trước phe đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 9/4. Kết quả này khiến ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong hàng chục năm qua phải làm việc với quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong toàn bộ 5 năm nhiệm kỳ, khiến ông nguy cơ gần như mất hết quyền lực trong chương trình nghị sự của mình.
Kết quả này không gây bất ngờ, bởi các nhà phân tích coi bầu cử quốc hội là cuộc trưng cầu dân ý giữa nhiệm kỳ về ông Yoon, người đã vướng loạt bê bối và không giành được nhiều ủng hộ của cử tri từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2022.
Sự cố bổ nhiệm đại sứ
Tổng thống Yoon hôm 12/3 bổ nhiệm cựu bộ trưởng quốc phòng Lee Jong-sup làm đại sứ tại Australia, bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Ông Lee khi đó đang là tâm điểm chú ý của dư luận với cáo buộc can thiệp vào cuộc điều tra của lực lượng Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc liên quan đến cái chết của hạ sĩ Chae Su-geun, người thiệt mạng khi tham gia nhiệm vụ cứu trợ lũ lụt năm ngoái.
Các nhà hoạt động Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân hạ sĩ Chae tử vong là không được cấp áo phao khi thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc cuộc điều tra diễn ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dỡ lệnh cấp xuất cảnh với ông Lee, cho phép ông tới Australia nhậm chức đại sứ, khiến phe đối lập nộp đơn khiếu nại cơ quan này lạm quyền.
Đến ngày 29/3, đại sứ Lee tuyên bố từ chức, chưa đầy một tháng sau khi được bổ nhiệm. Giới phân tích cho rằng dù ông Lee đã từ chức, bê bối này vẫn tác động đến quyết định của cử tri, những người cho rằng một số quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Yoon coi thường pháp luật.
"Người dân đặt câu hỏi liệu chính quyền của ông Yoon có thực thi luật pháp một cách công bằng hay không", Yoo Seung-min, cựu nghị sĩ PPP, nhận định hôm 7/4.
Bê bối túi xách
Kênh YouTube Voice of Seoul hồi tháng 11 năm ngoái đăng video Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee gặp một mục sư người Mỹ gốc Hàn và được tặng chiếc túi hiệu Christian Dior có giá khoảng 3 triệu won (2.200 USD) vào tháng 9/2022.
Chủ tài khoản kênh YouTube này đệ đơn khiếu nại lên cơ quan công tố Hàn Quốc, cáo buộc vợ chồng Tổng thống Yoon vi phạm đạo luật chống tham nhũng. Luật pháp Hàn Quốc cấm quan chức và vợ hoặc chồng nhận bất kỳ món quà nào giá trị hơn 750 USD.
Ông Yoon hồi tháng 2 bác bỏ video, cho rằng đây là "âm mưu chính trị" và vợ ông buộc phải nhận chiếc túi do không thể từ chối. Bà Kim không lên tiếng giải thích, cũng không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 15/12/2023.
Truyền thông Hàn Quốc gọi đây là "Vụ bê bối túi Dior", còn các nhà phân tích nhận định Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc đã trở thành trở ngại chính trị nghiêm trọng đối với Tổng thống Yoon và PPP.
Cuộc đình công của bác sĩ nội trú
Cuộc đình công kéo dài nhiều tuần của hàng nghìn bác sĩ nội trú Hàn Quốc cũng là vấn đề khiến đảng PPP đau đầu. Các bác sĩ thực tập và nội trú quyết định nghỉ việc đồng loạt để phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y hàng năm. Họ tuyên bố các trường y không thể đảm bảo chất lượng giảng dạy nếu số lượng sinh viên tăng vọt và chất lượng y tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Kế hoạch tăng tuyển sinh trường y của ông Yoon ban đầu giúp tỷ lệ ủng hộ đảng PPP tăng lên, nhưng khi cuộc đình công của các bác sĩ thực tập kéo dài, tình hình nhanh chóng thay đổi. Sự gián đoạn của hệ thống y tế do cuộc đình công đã khiến nhiều ca phẫu thuật phải hủy bỏ, gây bất tiện cho bệnh nhân, gia tăng sức ép để chính quyền Tổng thống Yoon thỏa hiệp với các bác sĩ.
Phát ngôn về giá hành lá
Khi thị sát một siêu thị ở Seoul hồi tháng 3, ông Yoon thăm kệ hành lá, cho rằng mức giá 875 won (0,65 USD) một bó là hợp lý. Tuy nhiên, phe đối lập nhanh chóng chỉ ra rằng giá hành lá trên thực tế cao gấp 3-4 lần và siêu thị này đã áp dụng chính sách giảm giá ngay trước chuyến thăm của ông Yoon.
Phát ngôn về giá hành lá của Tổng thống Yoon lập tức trở thành đề tài chế giễu trên mạng xã hội, khi nhiều người cho rằng ông xa rời thực tế và không hiểu rõ những nhu cầu sát sườn của người dân.
Các đối thủ chính trị của Tổng thống Hàn Quốc lập tức sử dụng hành lá làm vũ khí công kích đảng PPP trong các bài phát biểu vận động hay biểu tình. Ủy ban Bầu cử Quốc gia thậm chí cấm cử tri mang hành tới điểm bỏ phiếu vì cho rằng đây là hành động "can thiệp bầu cử".
"Bình luận sai lầm về hành lá của ông Yoon đã đổ dầu vào lửa", cựu nghị sĩ Yo nhận xét.
Người Hàn Quốc bỏ phiếu cho ông Yoon hai năm trước với hy vọng giúp vực dậy nền kinh tế. Nhưng người dân gần đây bày tỏ thất vọng khi tỷ lệ lạm phát tăng trên 3% và giá nông sản trong tháng 3 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim Tae-hyung, 55 tuổi, cho hay quyết định bỏ phiếu cho ứng viên đối lập vì nhận định chính phủ của ông Yoon đã không điều hành tốt nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng Tổng thống Hàn Quốc không đáng bị chỉ trích về phát ngôn hành lá. "Dù ông ấy không biết rõ giá hành, tôi nghĩ đó không phải là vấn đề gì quá to tát, bởi tôi cũng không biết", Kim nói.
Bình luận: