Theo đó, ông Nick Turley, Giám đốc sản phẩm ChatGPT của OpenAI, đã tham gia làm chứng tại phiên tòa và cho biết việc mua lại Chrome phụ thuộc vào việc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) có thành công trong việc yêu cầu Alphabet (công ty mẹ của Google) thoái vốn khỏi Chrome hay không.
Mục tiêu của DOJ là khôi phục tính cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, khi mà trước đó thẩm phán liên bang đã xác định Google nắm giữ vị thế độc quyền.
Hiện Google chưa có kế hoạch bán Chrome và dự định kháng cáo phán quyết về độc quyền.
Phiên tòa này không chỉ xoay quanh vấn đề độc quyền tìm kiếm mà còn hé lộ những góc cạnh của cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Các công tố viên bày tỏ lo ngại rằng sự thống trị độc quyền trong tìm kiếm có thể mang lại cho Google lợi thế lớn nhờ AI.
Đồng thời, các sản phẩm AI của Google cũng là một cách để thu hút người dùng về công cụ tìm kiếm của mình.
Google phản bác và chỉ ra sự cạnh tranh từ các đối thủ AI khác như Meta Platforms.
Giám đốc sản phẩm ChatGPT cũng tiết lộ Google đã từ chối đề nghị của OpenAI về việc sử dụng công nghệ tìm kiếm của Google trong ChatGPT vào tháng 8/2023.
OpenAI đã tìm đến Google sau khi gặp vấn đề với nhà cung cấp tìm kiếm hiện tại (ChatGPT đang sử dụng Bing của Microsoft), tin rằng việc hợp tác với Google sẽ giúp cải thiện sản phẩm. Google từ chối với lý do có quá nhiều đối thủ cạnh tranh tham gia.
Ông Turley nhấn mạnh tầm quan trọng của tìm kiếm đối với ChatGPT trong việc cung cấp câu trả lời cập nhật và đáng tin cậy. Ông cho rằng đề xuất của DOJ về việc buộc Google chia sẻ dữ liệu tìm kiếm với các đối thủ sẽ giúp OpenAI cải thiện ChatGPT nhanh hơn, vì công ty còn cách mục tiêu tự phát triển công nghệ tìm kiếm đủ mạnh nhiều năm nữa.
Trước đó, Thẩm phán liên bang Amit Mehta đã kết luận Google duy trì độc quyền tìm kiếm một phần thông qua các thỏa thuận độc quyền với các nhà sản xuất thiết bị như Samsung.
Tuy nhiên, các tài liệu gần đây cho thấy Google đã nới lỏng các thỏa thuận mới nhất với Samsung, Motorola, AT&T và Verizon, cho phép họ cài đặt các dịch vụ tìm kiếm cạnh tranh.
Google coi đây là biện pháp khắc phục, nhưng DOJ muốn có các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm cấm Google trả tiền để được ưu tiên cài đặt ứng dụng tìm kiếm.
Google cũng khẳng định các thỏa thuận hiện tại không cấm các đối tác cài đặt sản phẩm AI của các công ty khác lên thiết bị mới.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
Bình luận: