Chiều 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định vừa qua, tình hình thiên tai trên toàn cầu xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn, sức tàn phá ngày càng nặng nề, vượt qua mọi kỷ lục.
Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025 là một giai đoạn hết sức cam go, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất rất lớn.
Riêng cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024 cùng mưa lũ sau đó đã tàn phá nặng nề 26 tỉnh thành phía Bắc, cướp đi sinh mạng của 345 người và gây thiệt hại kinh tế gần 85.000 tỷ đồng.
Xu thế cực đoan, dị thường của thời tiết và thiên tai tiếp tục diễn ra trong 7 tháng năm 2025, với 114 người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế trên 553 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, Thủ tướng cho rằng trong phòng thủ dân sự, phải phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.
Nhấn mạnh "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", Thủ tướng dẫn chứng tới chiều 24/7, đã có 6 chuyến trực thăng của Bộ Quốc phòng với 18 tấn hàng được đưa tới các xã của Nghệ An và các chuyến bay sẽ được tiếp tục.
Nhìn rộng hơn, về tổng nguồn lực huy động từ Trung ương và toàn xã hội cho ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chính phủ đã huy động 5.530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương. Về hiện vật, 1.052 tấn gạo, 629 tấn hạt giống các loại và 90.000 lít hoá chất khử trùng từ dự trữ quốc gia đã được xuất cấp.
Cùng với đó, các quốc gia, tổ chức quốc tế và phi Chính phủ đã hỗ trợ Việt Nam trên 25 triệu USD cùng với 222 tấn hàng cứu trợ, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng cho biết công tác phòng thủ dân sự, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vẫn được duy trì liên tục, cơ bản thông suốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ thiệt hại về người vẫn còn rất lớn với 519 người chết, mất tích trong năm 2024 và 114 người chết, mất tích trong 7 tháng đầu năm 2025. Công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin, theo Thủ tướng, còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và vẫn còn trường hợp chủ quan.
Trong khi đó, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn thiếu, thô sơ, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tìm kiếm cứu nạn.
Dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 hết sức phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh phải thay đổi căn bản về tư duy, dứt khoát chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện bộ máy từ Trung ương tới cơ sở về phòng thủ dân sự quốc gia, trong đó Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan liên quan.
Bộ Quốc phòng được giao chỉ đạo các lực lượng duy trì nghiêm công tác ứng trực phòng thủ dân sự các cấp, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống xảy ra.
Truyền tin cảnh báo bão sớm nhất, dễ hiểu nhất
Với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các xã, phường, đặc khu phải là một "tư lệnh chỉ huy" về phòng thủ dân sự trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu các bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ phù hợp; lập phương án sơ tán đến từng hộ dân; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất.
"Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão, phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, Zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng, ví dụ như: 'Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền hỗ trợ, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản!'", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu chủ động hậu cần tại chỗ, phải có phương án đảm bảo người dân có đủ lương thực, nước uống trong ít nhất 24-48 giờ đầu tiên khi bị chia cắt.
“Phải kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi trên nỗi đau của người dân”, Thủ tướng quán triệt, đồng thời lưu ý phải tổ chức tuần tra, canh gác và cưỡng chế khi cần thiết, phải cương quyết, không nể nang để người dân đi vào vùng nguy hiểm.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng đề xuất khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua, bảo đảm kịp thời, chính xác, sát thực tế.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
Bình luận: