Tin nóng:
• Thành phố Thanh Hóa hỗ trợ hơn 53 tỷ đồng cho giáo viên hợp đồng               • iPhone 18: Cập nhật quan trọng đáng chú ý               • Mỹ: Tổng thống Trump muốn mua Greenland               • Audi A1 and Q2 discontinued, to be replaced by electric vehicles               • Hãng xe trả hơn nửa triệu USD cho nhân viên nghỉ việc để tinh gọn bộ máy               

Trẻ em không chỉ là cỗ máy để đạt thành tích

Tác giả:
Văn Toàn

"Trẻ phải đứng thứ nhất, quán quân để bố mẹ hãnh diện"

Câu chuyện mở đầu tọa đàm "Để trẻ em Việt lớn lên với tuổi thơ không áp lực" (do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây), khiến nhiều người suy nghĩ.

Chuyện kể về một học sinh tiểu học quay cuồng với lịch học dày đặc nhằm đạt thành tích cao trong học tập như mong muốn của bố mẹ khiến em rơi vào trầm cảm, kết quả thi cử sa sút.

"Xem câu chuyện, tôi thấy bản thân mình trong đó. Nhiều khi vì mong muốn con đạt kết quả cao hơn trong học tập, vô tình chúng tôi khiến con rơi vào áp lực, căng thẳng", một phụ huynh chia sẻ tại tọa đàm.

Theo ThS Phạm Thị Phương Thức, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thông thường có 3 yếu tố khiến trẻ em rơi vào áp lực.

Thứ nhất là áp lực tự thân các em đặt ra cho bản thân phải vươn tới mục tiêu gì. Thứ hai áp lực thành tích của gia đình và thứ 3, từ các kỳ thi của nhà trường và thầy cô giáo.

"Đặc biệt áp lực trong học tập, những yêu cầu mà giáo viên, cha mẹ và nhà trường đặt ra cho học sinh, khiến trẻ cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Các yêu cầu cao trong chương trình giảng dạy tại các trường có chất lượng tốt hơn sẽ tạo ra áp lực học tập lớn hơn.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho trẻ, từ thể chất đến tinh thần, thậm chí khiến trẻ có xu hướng bạo lực thể chất và lạm dụng chất kích thích, giảm thành tích học tập", Ths Phạm Thị Phương nói.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng thừa nhận, nhiều phụ huynh có xu hướng đặt kỳ vọng quá cao vào con cái, mong muốn con đạt được những thành tích vượt trội, phải xếp thứ nhất, là quán quân, vô địch để bố mẹ hãnh diện.

Tuy nhiên, điều này vô tình tạo ra gánh nặng tâm lý rất lớn cho trẻ. Thành tích, xếp thứ hạng là mục tiêu quá nhỏ với tuổi thơ, bậc tiểu học, mục tiêu lớn hơn cần theo đuổi là hãy để cho con được sống với tuổi thơ của mình, không có áp lực. Trẻ em cần được yêu thương và hỗ trợ, không phải là những cỗ máy đạt thành tích.

Trong khi đó PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, lại nhìn nhận, áp lực là điều không tránh khỏi trong cuộc sống bởi suy cho cùng, người ta thường nói "đời là bể khổ".

Sống quanh người lớn nhiều áp lực, giáo viên nhiều áp lực, đứa trẻ không thể nào không áp lực.

Biến đối thủ cạnh tranh thành người truyền cảm hứng

Cũng theo PGS Trần Thành Nam, qua nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy, càng cố để không áp lực, con người càng rơi vào áp lực nặng nề hơn. Giống việc tự nhủ phải quên ai đó, chúng ta lại càng nhớ. Vậy nên thay vì chống đối với áp lực, chúng ta cần trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề, nâng cao khả năng chịu đựng áp lực cho trẻ.

"Thay vì khiến trẻ em cảm thấy áp lực khi thất bại, thấy mình là đứa trẻ kém cỏi, cha mẹ cần biến đối thủ cạnh tranh của con thành người truyền cảm hứng, biến thất bại thành cơ hội học tập", PGS Trần Thành Nam nói.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT, cho rằng xã hội đều thấy trẻ em có nhiều áp lực, vấn đề đặt ra phải tìm nguyên căn.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã đổi mới chương trình SGK. Một trong những điều quan trọng của đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông là chuyển từ trang bị kiến thức kỹ năng sang phát triển phẩm chất năng lực.

Để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, chúng ta phải đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Với đổi mới phương pháp dạy học, từ chỗ học sinh học thụ động - cũng là một loại áp lực, giờ đây học sinh được chủ động tham gia các hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tổ chức các hoạt động học tập với thực tiễn.

Ngoài ra, các trường phải đổi mới kiểm tra đánh giá. Từ chỗ các bài kiểm tra mang tính chất lặp lại, ghi nhớ chuyển sang việc tiếp nhận, chuyển hóa kiến thức thành năng lực.

Bên cạnh đổi mới giảng dạy, các nhà trường cần xây dựng phong trào trường học hạnh phúc, học sinh tích cực. Một số nhà trường có sự thay đổi như khi họp phụ huynh, sẽ họp từng người với cô, trao đổi với nhau mặt mạnh, mặt yếu của con, từ đó giúp các con tiến bộ, vượt lên chính mình chứ không phải so sánh với học sinh khác. Đây là một trong những biện pháp làm giảm áp lực.

Mặc dù vậy theo TS Trí, chỉ nhà trường, thầy cô giảm áp lực cho học sinh thôi chưa đủ. Cha mẹ học sinh cũng phải hiểu mục đích cuối cùng là để con em có cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống hạnh phúc ấy không phải thi được giải nọ, giải kia mà hạnh phúc là được thoải mái sáng tạo, phát huy năng lực, sáng tạo của từng em.

"Tất nhiên chúng ta vẫn cần có áp lực, nhưng áp lực theo hướng tích cực, nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ hôm nay phải cố gắng hoàn thành công việc bằng cách phối hợp với bạn bè...

Đấy chính là động lực để học sinh giảm bớt áp lực, từ đó tạo ra môi trường học tập để học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, trên cơ sở đó các em có cuộc sống hạnh phúc sau này", TS Tạ Ngọc Trí nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn, áp lực là tình trạng trẻ nào cũng có thể phải đối mặt trong suốt hành trình lớn lên của mình. Tình trạng áp lực có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và gây ra những tác hại khôn lường, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ.

Nếu cha mẹ tạo áp lực cho con phải đạt điểm số cao, phải giành giải nhất, phải thành quán quân hay nhà vô địch trong các cuộc thi mà không phải mong muốn của trẻ, dẫn đến những hậu quả về sức khỏe tinh thần của các con, cũng có thể coi vi phạm quyền trẻ em.

Bình luận:

Hãy là người đầu tiên bình luận!

Tin cùng chủ đề:

Tin Mới Nhận:

Tin Dành Cho Bạn: