Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Tass).
"Ở Washington, họ tin rằng một cuộc chiến tranh toàn cầu mới sẽ không ảnh hưởng đến Mỹ, mà ảnh hưởng đến các đồng minh châu Âu của họ. Nếu nhận định này là cơ sở cho chiến lược của chính quyền (Tổng thống Joe) Biden, đó là một quan niệm sai lầm rất nguy hiểm và châu Âu nên nhận ra sứ mệnh tự sát đã được gắn cho họ", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 16/7.
Trước đó, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng về Truyền thông Chiến lược John Kirby nói rằng Washington không muốn xảy ra chiến tranh với Nga vì nó sẽ ảnh hưởng đến lục địa châu Âu.
Nhà ngoại giao Nga cho biết, bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng châu Âu đều phải bao gồm các bước cụ thể để loại bỏ các mối đe dọa từ phương Tây nhằm vào Moscow.
"Cần phải loại bỏ vĩnh viễn những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Giải pháp chính trị và ngoại giao phải đi kèm với các bước cụ thể nhằm loại bỏ các mối đe dọa đối với Liên bang Nga từ phía Tây Âu - Đại Tây Dương", ông Lavrov nêu rõ.
Ông Lavrov nhắc lại rằng các điều kiện của Moscow để thiết lập hòa bình lâu dài ở Ukraine đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra.
Tổng thống Putin trước đó đã đề xuất sáng kiến hòa bình mới để giải quyết xung đột ở Ukraine, trong đó bao gồm công nhận các khu vực Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là một phần của Nga, đảm bảo tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Phía Ukraine bác bỏ sáng kiến này.
Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kết thúc và tính hợp pháp của ông không thể được khôi phục bằng bất kỳ cách nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định ông Putin không loại trừ khả năng đàm phán với Ukraine vì vẫn còn các cơ quan hợp pháp khác tại nước này.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga sẵn sàng tìm kiếm sự cân bằng lợi ích để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, có tính đến thực tế địa chiến lược mới trên lục địa Á - Âu.
"Khi đồng ý về các thỏa thuận và đảm bảo chung, chúng ta sẽ phải tính đến thực tế địa chiến lược mới trên lục địa Á - Âu, nơi một kiến trúc an ninh thực sự bình đẳng và không thể chia cắt đang được hình thành. Châu Âu có nguy cơ tụt hậu so với tiến trình lịch sử khách quan này. Chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm sự cân bằng lợi ích", ông Lavrov nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nga nhiều lần cáo buộc phương Tây thực tế đã là một bên tham gia xung đột ở Ukraine khi tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev. Moscow cho rằng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ngày càng tiến gần về phía biên giới Nga.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
Bình luận: